Các phương pháp quản lý hành chính nhà nước
1. Khái niệm và đặc điểm của các phương pháp quản lý hành chính nhà nước
1.1. Khái niệm phương pháp quản lý hành chính nhà nước
Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là cách thức tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt được mục đích đã đặt ra theo một kế hoạch định trước.
1.2. Đặc điểm của phương pháp quản lý hành chính nhà nước
– Phương pháp quản lý hành chính nhà nước phản ánh mối liên hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Phương pháp quản lý phụ thuộc vào mối liên hệ giữa chủ thể quản lý – đối tượng quản lý và các yếu tố khác như: mục đích, địa điểm, thời gian của hoạt động quản lý.
– Phương pháp quản lý hành chính nhà nước được thể hiện dưới những hình thức nhất định. Phương pháp quản lý hành chính đa dạng và thích hợp để tác động lên những đối tượng quản lý khác nhau.
– Các phương pháp quản lý hành chính nhà nước phải có tính khả thi, có khả năng đem lại hiệu quả cao.
– Phương pháp quản lý hành chính nhà nước có tính mềm dẻo, linh hoạt và tính sáng tạo; các phương pháp phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước quy định trong chương trình quản lý trong từng giai đoạn cụ thể.
2. Các phương pháp quản lý hành chính nhà nước
2.1. Phương pháp giáo dục, thuyết phục
Đây là phương pháp cơ bản trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước của Nhà nước ta, bao gồm một loạt những hoạt động giải thích, hướng dẫn, động viên, khuyến khích, trình bày, chứng minh để đảm bảo sự tuân thủ, hay phục tùng tự giác của đối tượng quản lý nhằm đạt một kết quả nhất định.
Phương pháp này mang tính chất pháp lý vì nó được thực hiện thông qua cơ quan nhà nước và được quy định trong pháp luật nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng cho mọi công dân.
2.2. Phương pháp cưỡng chế nhà nước
Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một cá nhân hay một tổ chức nhất định về mặt vật chất hay tinh thần, nhằm buộc cá nhân hay tổ chức đó thực hiện những hành vi nhất định do pháp luật quy định, hoặc phải phục tùng những hạn chế nhất định với tài sản của cá nhân hay tổ chức hoặc tự do thân thể của cá nhân đó.
Đây cũng là một phương pháp quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Nếu không có cưỡng chế nhà nước thì kỷ luật nhà nước dễ bị lung lay, pháp chế xã hội chủ nghĩa khó được tôn trọng, tạo điều kiện cho tệ nạn xã hội phát triển.
Muốn sử dụng phương pháp cưỡng chế nhà nước có kết quả cần kết hợp giữa giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế. Tùy vào từng hoạt động cụ thể, tùy vào đối tượng quản lý mà lựa chọn phương pháp quản lý thích hợp.
Các biện pháp cưỡng chế nhà nước:
– Cưỡng chế hình sự: Là biện pháp cưỡng chế nhà nước được các cơ quan tư pháp áp dụng đối với người có hành vi phạm tội.
– Cưỡng chế dân sự: Là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan tư pháp áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy phạm pháp luật dân sự gây thiệt hại cho Nhà nước, tập thể, cá nhân, bị Tòa án truy cứu trách nhiệm dân sự.
– Cưỡng chế kỷ luật: Là biện pháp cưỡng chế nhà nước do cơ quan nhà nước áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm kỷ luật trong nội bộ cơ quan.
– Cưỡng chế hành chính: Là biện pháp cưỡng chế do các cơ quan hành chính nhà nước quyết định đối với cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật hành chính nhằm ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra hay ngăn chặn những thiệt hại do thiên tai, địch họa gây ra.
2.3. Phương pháp hành chính
Phương pháp hành chính là những phương thức tác động trực tiếp đến hoạt động của đối tượng bị quản lý thông qua việc quy định trực tiếp nghĩa vụ của họ, những mệnh lệnh dựa trên quyền lực nhà nước và sự phục tùng9. Mệnh lệnh này được hiểu là mệnh lệnh từ cấp trên xuống như việc ra những quyết định bắt buộc đối với đối tượng quản lý nếu không tuân thủ sẽ bị kỷ luật.
Những phương pháp này dựa vào hai yếu tố: huyết phục và cưỡng chế; và trên cơ sở của nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc sử dụng phương pháp này là vô cùng cần thiết ở bất kỳ lĩnh vực quản lý nào bởi chủ thể quản lý nào cũng cần áp dụng quyền hạn được trao để quản lý, để phối hợp nhằm thiết lập trật tự trong quản lý.
2.4. Phương pháp kinh tế
Đây là phương pháp dùng đòn bẩy kinh tế, nhằm thúc đẩy cá nhân, tập thể tích cực lao động, sản xuất sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, năng suất cao.
Việc áp dụng phương pháp này có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý bởi nó tạo ra những điều kiện khuyến khích về vật chất, khơi dậy sự tích cực, hăng say của con người. Các đòn bẩy kinh tế đó có thể là tiền lương, tiền thưởng, chính sách thuế…
Giữa phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế không tách rời nhau mà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bởi phương pháp hành chính là phương tiện đưa phương pháp kinh tế vào cuộc sống, còn phương pháp kinh tế giúp đạt tốt hơn mục đích của phương pháp hành chính.
Tóm lại, hoạt động quản lý hành chính nhà nước vốn đa dạng và phức tạp, phương pháp quản lý thuộc về phạm trù nội dung của quản lý, vì vậy, phương pháp quản lý được thể hiện thông qua hình thức quản lý. Ngược lại, việc sử dụng hình thức quản lý này hay hình thức quản lý khác ở mức độ khác nhau là sự thể hiện chủ thể quản lý đã áp dụng chủ yếu là phương pháp nào. Chẳng hạn, khi ban hành các quyết định cá biệt, hoặc sử dụng phổ biến các hoạt động mang tính quyền lực – pháp lý có tính mệnh lệnh là biểu hiện của phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế. Ngược lại, nếu sử dụng các hình thức như tổ chức trực tiếp, giải thích, hướng dẫn, khuyến khích… là biểu hiện của phương pháp giáo dục, thuyết phục.