1. Các nguyên tắc chung
1.1. Nguyên tắc hạch toán chính xác, đầy đủ, kịp thời mọi khoản thu – chi NSNN bằng đồng Việt Nam
Nguyên tắc này đòi hỏi mọi khoản thu NSNN đều được hạch toán theo đúng năm ngân sách, cấp ngân sách và mục lục ngân sách. Việc hạch toán phải được thực hiện kịp thời bằng đồng Việt Nam tại thời điểm phát sinh khoản thu. Những khoản thu NSNN bằng ngoại tệ, hiện vật, ngày công lao động phải được quy đổi ra đồng Việt Nam để hạch toán thu NSNN. Mặt khác, theo nguyên tắc này, mọi khoản chi NSNN kể cả các khoản chi bằng ngoại tệ, hiện vật và ngày công lao động phải được quy đổi và hạch toán chi bằng đồng Việt Nam theo từng niên độ ngân sách, từng cấp ngân sách và theo mục lục NSNN.
1.2. Nguyên tắc kiểm tra, kiểm soát khoản chi NSNN
Theo nguyên tắc này, tất cả các khoản chi NSNN phải được kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau quá trình cấp phát, thanh toán. Nguyên tắc này được đặt ra không chỉ đối với cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương mà đối với cả đơn vị sử dụng kinh phí NSNN.
Về phía cơ quan tài chính gồm: Bộ tài chính, Sở tài chính tỉnh, phòng tài chính. có trách nhiệm thẩm tra việc phân bổ dự toán NSNN, phát hiện sai sót và yêu cầu cơ quan phân bổ ngân sách điều chỉnh lại; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi tiêu và sử dụng ngân sách ở các đơn vị sử dụng NSNN, nếu phát hiện các khoản chi sai chế độ, vượt nguồn cho phép thì yêu cầu kho bạc nhà nước tạm dừng thanh toán.
Kho bạc nhà nước có trách nhiệm kiểm soát các hồ sơ, chứng từ chi; phối hợp với cơ quan hữu quan (cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền) kiểm tra tình hình sử dụng NSNN và xác nhận số thực chi NSNN qua kho bạc nhà nước của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương theo dõi, kiểm tra việc sử dụng NSNN thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý và của các đơn vị trực thuộc; báo cáo định kỳ tình hình thực hiện chi NSNN theo đúng chế độ.
Đơn vị sử dụng NSNN phải mở tài khoản hạn mức tại kho bạc nhà nước và chịu sự kiểm tra. Kiểm soát của cơ quan tài chính và kho bạc nhà nước trong quá trình thực hiện dự toán NSNN được giao và quyết toán NSNN theo đúng chế độ.
1.3. Nguyên tắc thu hồi giảm chi NSNN
Trong quá trình quản lý, thanh toán, quyết toán chi NSNN nếu phát hiện thấy các khoản chi sai phải thu hồi giảm chi NSNN.
Cơ quan tài chính có quyền quyết định thu hồi giảm chi NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi của Nhà nước. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như toà án, công an, viện kiểm sát có quyền quyết định thu hồi các khoản chi sai chế độ, tham ô làm thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước.
Kho bạc nhà nước thực thi việc thu hồi cho NSNN trên cơ sở quyết định của cơ quan tài chính hoặc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói trên.
1.4. Nguyên tắc phân cấp trong công tác điều hoà vốn tại hệ thống kho bạc nhà nước
Việc điều vốn lên thường được thực hiện từ các kho bạc nhà nước cấp quận, huyện lên kho bạc nhà nước cấp tỉnh, thành phố hoặc từ các kho bạc nhà nước cấp tỉnh, thành phố lên kho bạc nhà nước ở trung ương. Ngược lại, việc chuyển vốn xuống thường được thực hiện từ kho bạc nhà nước ở trung ương xuống kho bạc nhà nước cấp tỉnh, thành phố hoặc từ kho bạc nhà nước cấp tỉnh thành phố xuống kho bạc nhà nước cấp quận huyện. Kho bạc nhà nước cấp trung ương thống nhất quản lý điều hoà vốn trong toàn bộ hệ thống và trực tiếp điều chuyển vốn với kho bạc nhà nước cấp Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Kho bạc nhà nước cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý điều hoà vốn trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp điều chuyển vốn với các kho bạc nhà nước cấp huyện, quận trực thuộc. Kho bạc nhà nước cấp quận huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn ở đơn vị mình.
1.5. Nguyên tắc điều hoà vốn trong hệ thống kho bạc nhà nước phải dựa trên cơ sở định mức, kế hoạch và khả năng thu và nhu cầu chi thực tế
Mục đích của điều hoà vốn trong hệ thống kho bạc nhà nước là không để vốn động tại các đơn vị kho bạc nhà nước cấp dưới, đồng thời bảo đảm khả năng thanh toán cho từng đơn vị kho bạc nhà nước cũng như cho toàn hệ thống kho bạc nhà nước.
Nguyên tắc này yêu cầu việc điều hoà vốn giữa các cấp kho bạc nhà nước phải được tiến hành căn cứ vào định mức tồn quỹ, kế hoạch điều hoà vốn cũng như khả năng thu và nhu cầu chi thực tế.
2. Các nguyên tắc cụ thể trong lĩnh vực quản lý thu Ngân sách nhà nước, cấp phát và quản lý chi Ngân sách nhà nước
2.1. Các nguyên tắc áp dụng trong quá trình quản lý thu NSNN
– Các khoản thu phải nộp trực tiếp vào Kho bạc nhà nước bằng tiền mặt, ngân phiếu thanh toán hoặc chuyển khoản.
– Các khoản thu NSNN phải được nộp đầy đủ, đúng hạn vào quỹ NSNN.
– Các khoản thu NSNN phải được hạch toán kế toán và quyết toán đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ.
2.2. Các nguyên tắc áp dụng trong cấp phát và quản lý chi NSNN
– Kho bạc Nhà nước chỉ thực hiện cấp phát ngân sách cho những khoản chi trong dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
– Xác định và thực hiện các khoản chi phù hợp với các chức năng nhiệm vụ của nhà nước và có mục tiêu rõ ràng.
– Tất cả các khoản chi NSNN đều phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ: trước, trong và cả sau quá trình cấp phát, thanh toán.
– Chi kịp thời, trực tiếp cho đối tượng sử dụng ngân sách.
– Nguyên tắc hạch toán mọi khoản chi bằng đồng Việt Nam.
Xem thêm: Quỹ Ngân sách nhà nước và quản lý quỹ Ngân sách nhà nước