Các loại thuế khi mua hàng nước ngoài về Việt Nam?
Với sự phát triển công nghệ 4.0 như hiện nay, nhu cầu mua hàng nước ngoài trên các trang thương mại điện tử đã và đang trở nên khá phổ biến ở Việt Nam. Để có thể sở hữu những mặt hàng ngoại chính hãng, người tiêu dùng sẽ phải chịu thêm một số khoản thuế đi kèm. Vậy các loại thuế khi mua hàng nước ngoài về Việt Nam gồm những loại thuế nào, mặt hàng nào cần đóng thuế,… Hãy cùng LawFirm.Vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Các loại thuế khi mua hàng nước ngoài về Việt Nam?
Thông thường sẽ có 3 loại thuế khi mua hàng về Việt Nam gồm: Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.
1.1. Thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu được xem là thuế phức tạp nhất trong quá trình mua và nhập các loại hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Mức thuế này sẽ dựa trên loại hàng hóa và nguồn gốc nhập hàng để tính phí. Mỗi một mặt hàng, cũng như hàng được nhập tại mỗi quốc gia cũng sẽ có quy định cho mức tính thuế riêng.
Lấy ví dụ để bạn dễ hiểu như đối với Trung Quốc khi nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam sẽ được tính theo biểu thuế của hiệp hội ASEAN – Trung Quốc. Đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Mỹ thì sẽ được tính theo biểu thuế của WTO. Cũng chính vì vậy, bạn cần phải tra bảng thuế khi mua hàng nước ngoài về Việt Nam mỗi khi nhập hàng.
Thuế nhập khẩu được tính bằng công thức: Giá trị hải quan của hàng nhập khẩu x Thuế tiêu thụ đặc biệt) x Thuế suất thuế nhập khẩu.
1.2. Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng với mọi mặt hàng, tùy vào từng loại mặt hàng sẽ có mức thuế khác nhau từ 0 – 10%. Tuy nhiên, hầu hết mức thuế suất khi nhập hàng nước ngoài về Việt Nam đều là 10%. Bởi theo quy định luật của nhà nước mức thuế 0% sẽ chỉ áp dụng đối với loại hình dịch vụ, mức thuế 5% sẽ áp dụng đối những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, điện nước.
Thuế giá trị gia tăng được tính bằng công thức: Giá trị hải quan của hàng nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt + Thuế nhập khẩu) x Thuế suất GTGT.
1.3. Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ chỉ áp dụng đối với những mặt hàng mà nhà nước hạn chế tiêu thụ như: Rượu bia, thuốc lá, ô tô,… Còn những mặt hàng phổ biến khác như quần áo, giày dép, phụ kiện, nước hoa,… sẽ không phải chịu mức thuế này khi nhập hàng nước ngoài về Việt Nam.
Thuế tiêu thụ đặc biệt được tính bằng công thức: Giá trị hải quan của hàng nhập khẩu x Thuế suất.
2. Những mặt hàng phải đóng thuế khi mua hàng nước ngoài về Việt Nam
Căn cứ Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định về đối tượng phải đóng thuế khi mua hàng nước ngoài về Việt Nam gồm:
– Hàng hóa xuất – nhập khẩu qua cửa khẩu và biên giới của Việt Nam.
– Các loại hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan và ngược lại.
– Hàng hóa xuất – nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất – nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và quyền phân phối.
3. Những mặt hàng không phải đóng thuế khi mua hàng từ nước ngoài về Việt Nam
– Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu hoặc trung chuyển.
– Hàng hóa viện trợ nhân đạo và hàng hóa viện trợ không hoàn lại.
– Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác.
– Các loại dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên nhà nước khi xuất khẩu.
Đồng thời, căn cứ Điều 29 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu có giá trị hải quan trên 1.000.000 VNĐ hoặc tổng số thuế phải nộp trên 100.000VNĐ thì phải nộp thuế hoàn toàn lô hàng nhập khẩu.
Còn đối với những trường hợp gửi dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị hải quan dưới 1.000.000VND hoặc số thuế phải nộp dưới 100.000VNĐ sẽ được miễn thuế.
4. Hồ sơ miễn thuế khi mua hàng nước ngoài về Việt Nam
Hồ sơ hải quan miễn thuế khi mua hàng nước ngoài về Việt Nam phải đảm bảo thực hiện theo quy định về luật hải quan. Đối với những đơn hàng nhập khẩu về Việt Nam người nộp thuế cần chuẩn bị thêm:
– Điều ước quốc tế: Bạn sẽ cần 01 bản chụp xuất trình bản chính để đối chiếu, khi nộp hồ sơ miễn thuế lần đầu cho cơ quan hải quan.
– Hợp đồng ủy thác, hợp đồng cung cấp hàng hóa theo văn bản trúng thầu hoặc văn bản chỉ định thầu ghi rõ giá cung cấp hàng hóa không bao gồm thuế nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu ủy thác, đấu thầu: 01 bản chụp có đóng dấu sao y bản chính của cơ quan.