Quan hệ bảo đảm được xác lập làm hình thành một quan hệ pháp luật giữa các bên tham gia, trong đó quyền và nghĩa vụ của các bên được pháp luật bảo đảm thực hiện. Chủ thể của quan hệ bảo đảm bao giờ cũng chỉ gồm hai bên, một bên được gọi là bên bảo đảm, bên kia được gọi là bên nhận bảo đảm.
Tuy nhiên, do tính chất đa dạng của thực tiễn nên nhiều trường hợp, bên cạnh các chủ thể của quan hệ bảo đảm còn có chủ thể khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến quan hệ bảo đảm và vì thế, hiện còn nhiều cách khác nhau về chủ thể của quan hệ bảo đảm. Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong quan hệ bảo lãnh có ba chủ thể gồm bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh.
1. Bên bảo đảm
Bên bảo đảm trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là bên cam kết trước bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng quan hệ bảo đảm đó về việc bằng tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc bằng việc thực hiện một công việc nhất định để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
Như vậy, trong một quan hệ bảo đảm thì bên bảo đảm là bên cam kết trước bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Thông thường, bên bảo đảm đồng thời là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm. Chẳng hạn, B vay tiền của A và B cầm cố, thế chấp tài sản của mình để bảo đảm cho việc trả tiền đó.
Tuy nhiên, trong một số quan hệ bảo đảm, bên bảo đảm có thể là người thứ ba. Chẳng hạn, B vay tiền của A nhưng C là người bảo lãnh cho B trước A.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì bên bảo đảm bao gồm: bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị-xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp.
2. Bên nhận bảo đảm
Bên nhận bảo đảm trong quan hệ bảo đảm là bên chấp nhận sự cam kết của bên kia về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng tài sản hoặc bằng việc thực hiện công việc nhất định. Như vậy, bên nhận bảo đảm luôn luôn là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm.