Xuất phát từ nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (khoản 4). Do đó, mọi hành vi gây thiệt hại cho các đối tượng được pháp luật bảo vệ đều không được pháp luật thừa nhận.
Tuy nhiên, để khuyến khích các cá nhân tự bảo vệ, chủ động ngăn chặn các hành vi trái pháp luật làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, pháp luật coi việc chống trả các hành vi xâm phạm đến các đối tượng nêu trên trong chừng mực nhất định là phòng vệ chính đáng. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, chế định phòng vệ chính đáng được đề cập chủ yếu trong pháp luật hình sự. Phòng vệ chính đáng trong pháp luật dân sự được tiếp thu trên cơ sở lý luận và thực tiễn trong pháp luật hình sự.
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì:
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.
Nếu một người có hành vi chống trả lại hành vi gây thiệt hại của người khác và hành vi chống trả lại này được coi là phòng vệ chính đáng thì hành vi chống trả đó không bị coi là hành vi trái pháp luật, do đó người thực hiện hành vi chống trả không phải bồi thường thiệt hại. Chính vì vậy, Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Nếu căn cứ vào các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì hành vi gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng không bị coi là hành vi trái pháp luật và do đó người thực hiện hành vi này không bị coi là có lỗi. Tuy nhiên, để xác định một hành vi gây thiệt hại được coi là phòng vệ chính đáng, cần phải chú ý:
Thứ nhất: Có hành vi trái pháp luật xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc xâm phạm tới lợi ích của chính bản thân người phòng vệ chính đáng.
Thứ hai: Hành vi trái pháp luật của người khác đang gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho đối tượng bị xâm hại. Nếu thiệt hại đã xảy ra mà người bị thiệt hại mới có hành vi chống trả và gây thiệt hại ngược trở lại thì không thể coi là phòng vệ chính đáng.
Thứ ba: Hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm hại (trước tiên là tính mạng, sức khỏe; trong những trường hợp nhất định có thể là tài sản của người có hành vi xâm phạm). Nếu gây thiệt hại cho người không có hành vi xâm hại thì không coi là phòng vệ chính đáng mà có thể coi là gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết nếu thỏa mãn đủ các điều kiện nhất định.
Thứ tư: Hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải là cần thiết và tương xứng với hành vi xâm hại. Nếu không cần thiết hoặc không tương xứng thì người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, khi có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích được pháp luật bảo vệ thì bản thân người phòng vệ chính đáng phải cân nhắc, tính toán để có thể phòng vệ chính đáng. Chính vì phòng vệ chính đáng không bị coi là trái pháp luật, người phòng vệ chính đáng không bị coi là có lỗi nên pháp luật dân sự quy định người phòng vệ chính đáng không phải bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu người phòng vệ chính đáng gây thiệt hại mà thiệt hại đó là hậu quả của hành vi “vượt quá” giới hạn phòng vệ chính đáng thì người này phải bồi thường thiệt hại. Đoạn 2 Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ở đây được hiểu là khi bị người khác gây thiệt hại, người phòng vệ chính đáng đã có hành vi gây thiệt hại ngược trở lại nhưng có sự sai lầm trong việc đánh giá mức độ của sự tấn công, điều kiện hoàn cảnh của hành vi tấn công và hành vi chống trả, do đó vượt quá giới hạn cần thiết nên đã gây ra thiệt hại cho người có hành vi gây thiệt hại ban đầu. Do đó hành vi của họ đã vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Việc vượt quá giới hạn đó bị coi là trái pháp luật, vì vậy họ phải bồi thường thiệt hại.
Việc bồi thường thiệt hại do hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được xác định như thế nào? Có hai cách hiểu khác nhau xung quanh vấn đề này:
– Cách hiểu thứ nhất: Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được coi là một tình tiết giảm nhẹ trong trách nhiệm hình sự nhưng không thể làm cơ sở để giảm mức bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm dân sự, vì đó là các hành vi bất hợp pháp.
– Cách hiểu thứ hai: Nếu gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại với nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu phải bồi thường bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có lỗi nên cần xác định trách nhiệm hỗn hợp đối với cả hai bên.”
Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này cần có những sự chú ý nhất định. Thông thường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi thoả mãn đầy đủ các điều kiện sau đây: Có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại được coi là trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; có lỗi của người gây thiệt hại. Ngoài ra, về nguyên tắc, một người chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả do hành vi đó mang lại. Theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì hành vi đó không bị coi là trái pháp luật, do vậy người thực hiện hành vi này không phải bồi thường. Nếu thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì hành vi này bị coi là đã thực hiện hành vi) trái pháp luật, do vậy người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi đó gây ra.
Xuất phát từ nguyên tắc một người chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi trái pháp luật của mình và hậu quả do hành vi đó mang lại, do vậy khi có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Trường hợp người gây thiệt hại đã thực hiện phòng vệ chính đáng nhưng sau đó có thể do tưởng tượng sai lầm nên tiếp tục thực hiện một hành vi phòng vệ không cần thiết. Trường hợp này, hành vi gây thiệt hại là trái pháp luật, do vậy phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi đó gây ra.