1. Tạm giữ là gì?
Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan và người có thẩm quyền điều tra, người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này, người bị tạm giữ bị hạn chế một số quyền công dân, quyền con người để ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở hoạt động điều tra của người phạm tội, tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu, bước đẩu xác định tính chất hành vi của người bị tạm giữ. Tạm giữ đối với người bị bắt theo lệnh truy nã để có thời gian để cơ quan bắt hoặc nhận người bị bắt thông báo cho cơ quan đã ra lệnh truy nã biết về việc đã bắt được đối tượng và thời gian cho cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt.
2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giữ có thể là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc người bị bắt theo lệnh truy nã. Trong trường hợp người bị bắt khi phạm tội quả tang nhưng sự việc phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng, người bị bắt có nơi cư trú rõ ràng và không có hành động, biểu hiện sẽ cản trở việc điều tra thì không cần phải tạm giữ. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thường bị tạm giữ vì trong hầu hết trường hợp khi quyết định giữ khẩn cấp, Cơ quan điều tra đã xác định cần phải ngăn chặn việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ gây khó khăn cho việc điều tra, khám phá tội phạm. Đối với người bị bắt theo lệnh truy nã, ngay sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo cho cơ quan đã ra lệnh truy nã để cơ quan này đến nhận người bị bắt. Việc tạm giữ đối với người này chỉ đặt ra khi xét thấy cơ quan đã ra lệnh truy nã không thể đến ngay để nhận người bị bắt.
Người bị tạm giữ là người dưới 18 tuổi chỉ có thể bị tạm giữ theo quy định Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
3. Thẩm quyền ra quyết định tạm giữ
Những người có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự có quyền ra quyết định tạm giữ.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên mới có quyền ra lệnh tạm giữ. Chính quyền và công an cấp xã, phường, thị trấn không có quyền tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự. Vì vậy, khi nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, ủy ban nhân dân xã, phường hoặc thị trấn phải tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang, biên bản bắt người đang bị truy nã và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
4. Thủ tục tạm giữ
Việc tạm giữ phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ; ngày, giờ bắt đầu tạm giữ và ngày, giờ hết hạn tạm giữ và giao cho người bị tạm giữ một bản. Nếu việc tạm giữ không có quyết định của người có thẩm quyển, người bị tạm giữ có quyển yêu cầu trả tự do cho họ.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Khi kiểm sát việc tạm giữ, nếu thấy việc tạm giữ không đúng pháp luật hoặc không cần thiết, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và yêu cẩu người ra quyết định tạm giữ trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ trong những trường hợp sau đây:
+ Người bị tạm giữ không phải là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và không phải là người phạm tội tự thú, đầu thú;
+ Người bị tạm giữ chỉ có những vi phạm nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Người bị tạm giữ trong trường hợp phạm tội quả tang nhưng sự việc phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng, người bị tạm giữ có nơi cư trú rõ ràng và không có biểu hiện sẽ trốn hoặc cản trở việc điều tra.
5. Thời hạn tạm giữ
Theo Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì thời hạn tạm giữ được quy định như sau:
– Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Quy định như vậy để đạt được mục đích của tạm giữ cũng như để hạn chế việc giữ người trái pháp luật.
– Trường hợp cẩn thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Những trường hợp cẩn thiết là những trường hợp sự việc xảy ra có nhiều tình tiết phức tạp, việc xác minh phải thực hiện ở nhiều địa phương khác nhau hoặc cần phải có thêm thời gian để làm rõ về hành vi, làm rõ căn cước, lý lịch của người bị tạm giữ.
Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày. Thông thường đây là trường hợp đối với vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và một số vụ án hình sự khác có nhiều người tham gia, sự việc cần xác minh rất phức tạp mặc dù đã gia hạn tạm giữ lần thứ nhất nhưng vẫn chưa làm rõ được sự việc.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì cơ quan đã ra lệnh tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ sau khi hết hạn tạm giữ trước đó.
– Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
– Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Thời hạn tạm giữ hạn chế quyền của công dân nên được tính trừ vào thời hạn tạm giam theo nguyên tắc một ngày tạm giữ bằng một ngày tạm giam. Trường hợp người bị tạm giữ sau đó không bị tạm giam thì khi Tòa án quyết định hình phạt tù đối với bị cáo, thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù theo nguyên tắc một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tù.
– Khi hết thời hạn tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người đã bị tạm giữ. Đây là trường hợp không cần gia hạn tạm giữ hoặc đã gia hạn tạm giữ lần thứ nhất hoặc lần thứ hai nhưng vẫn không đủ căn cứ để xác định người bị tạm giữ đã thực hiện tội phạm thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.