Biện pháp khẩn cấp tạm thời tố tụng dân sự là gì?
1. Biện pháp khẩn cấp tạm thời là gì?
Trong quá trình toà án giải quyết vụ việc dân sự, đôi khi toà án phải quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp cần thiết để giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng hoặc để bảo đảm thi hành án. Các biện pháp này được gọi là biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp toà án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.
So với các biện pháp khác được toà án quyết định áp dụng trong quá trình tố tụng để giải quyết vụ việc dân sự thì biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) có những nhiều điểm khác biệt, vừa mang tính khẩn cấp vừa mang tính tạm thời. Tính khẩn cấp của biện pháp này được thể hiện ở chỗ, toà án phải ra quyết định áp dụng ngay và quyết định này được thực hiện ngay sau khi được toà án quyết định áp dụng, nếu không sẽ mất hết ý nghĩa, tác dụng.
Tính tạm thời của biện pháp này được thể hiện ở chỗ, quyết định áp dụng BPKCTT chưa phải là quyết định cuối cùng về giải quyết vụ việc dân sự. Đây chỉ là biện pháp tạm thời được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, chưa phải là quyết định về giải quyết vụ việc dân sự. Sau khi quyết định áp dụng BPKCTT, nếu lí do của việc áp dụng không còn nữa thì toà án có thể huỷ bỏ quyết định này. Tuy vậy, việc áp dụng BPKCTT có thể gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của người bị áp dụng và người khác. Do vậy, toà án phải xem xét thận trọng trước khi quyết định áp dụng biện pháp này và phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật để tránh việc gây thiệt hại cho đương sự và các chủ thể khác.
Để bảo đảm việc áp dụng BPKCTT được đúng đắn, từ trước tới nay, pháp luật tố tụng dân sự quy định rất chặt chẽ trình tự, thủ tục và điều kiện quyết định áp dụng. Trước đây, việc quyết định áp dụng BPKCTT trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động được thực hiện theo các quy định tại các điều: từ Điều 99 đến Điều 126 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Nghị quyết của HĐTPTANDTC số 02/2005/NQ–HĐTP ngày 27/4/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hiện nay, việc áp dụng BPKCTT trong quá trình giải quyết các vụ việc này được thực hiện theo các quy định tại các điều: từ Điều 111 đến Điều 142 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
2. Ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Với mục đích là để giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo toàn tình trạng tài sản, bảo vệ bằng chứng hoặc để bảo đảm việc thi hành án nên việc áp dụng BPKCTT mang nhiều ý nghĩa không những đối với việc giải quyết vụ việc dân sự của toà án mà cả đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Trên thực tế, vì lợi ích của mình hoặc do thiếu thiện chí, nhiều người đã có hành vi tẩu tán tài sản, huỷ hoại hoặc xâm phạm chứng cứ, mua chuộc người làm chứng vv... Việc áp dụng BPKCTT trong những trường hợp này một mặt chống lại được các hành vi đó, bảo vệ được chứng cứ, giữ nguyên được giá trị chứng minh của chứng cứ, tránh cho hồ sơ vụ việc dân sự bị sai lệch, bảo đảm việc giải quyết đúng được vụ việc dân sự. Mặt khác, qua đó còn bảo toàn được tình trạng tài sản, tránh việc gây thiệt hại không thể khắc phục được, giữ được tài sản bảo đảm cho việc thi hành bản án, quyết định của toà án sau này.
Ngoài ra, việc áp dụng BPKCTT đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của đương sự, tạo điều kiện cho đương sự sớm ổn định được cuộc sống của họ và những người sống phụ thuộc vào họ. Trên cơ sở đó, bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.