1. Biên lai gửi hàng đường biển là gì?
Về mặt thuật ngữ: “Sea Waybills”, “Non negotiable Sea Waybills” hay “Ships Waybills” có một số cách gọi thường gặp như sau:
– Vận đơn đường biển không lưu thông.
– Biên lai gửi hàng đường biển.
– Biên lai gửi hàng đường biển không lưu thông.
– Giấy gửi hàng đường biển.
– Giấy gửi hàng đường biển không lưu thông.
– Phiếu gửi hàng đường biển.
– Chứng thư gửi hàng đường biển không chuyển nhượng.
– Chứng từ vận tải đường biển không chuyển nhượng.
Để tránh nhầm lẫn với vận đơn là chứng từ sở hữu hàng hoá và để đơn giản trong cách gọi, ta thống nhất gọi “Sea Waybills” là “Biên lai gửi hàng đường biển”.
2. Lý do ra đời
Vì vận đơn đường biển là một chứng từ sở hữu hàng hoá, do đó để nhận được hàng hóa tại cảng đích, nhất thiết người nhận hàng phải xuất trình vận đơn gốc cho hãng tàu. Trường hợp hàng đã đến cảng đích, mà vận đơn chưa tới ngân hàng phát hành L/C, thì ngân hàng có thể phát hành một bảo lãnh nhận hàng cho người nhận hàng đi nhận hàng. Khi đã phát hành bảo lãnh nhận hàng, nghĩa là ngân hàng đã chấp nhận thanh toán bộ chứng từ cho dù có thể có những sai sót khi nhận được sau này. Chính vì vậy, các ngân hàng thường cân nhắc rất kỹ và đưa ra các điều kiện thanh toán rất chặt chẽ đối với người mở L/C.
Ngày nay, do áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong vận tải biển, đã rút ngắn được thời gian chạy tàu, chính vì vậy, đối với các cảng biển
gần nhau như giữa Việt Nam và Singapore, khu vực châu Âu, Nam Mỹ, Scandinavia và tại một số vùng Viễn Đông, thì hàng hoá thường đến trước khi bộ chứng từ gửi qua bưu điện tới được ngân hàng phát hành L/C. Nếu ngân hàng phát hành L/C không sẵn sàng phát hành một bảo lãnh nhận hàng, thì hàng hoá phải lưu kho, lưu bãi, gây tốn kém và rủi ro cho bên mua và bán, làm chậm quá trình lưu thông hàng hoá. Để khắc phục hạn chế nêu trên của vận đơn, người ta đã sử dụng Biên lai gửi hàng đường biển để thay thế cho vận đơn đường biển.
3. Chức năng của Biên lai gửi hàng
Về cơ bản, biên lai gửi hàng đường biển và vận đơn đường biển là giống nhau. Cụ thể là, vận đơn đường biển có ba chức năng như đã nêu ở trên, trong khi đó, biên lai gửi hàng đường biển chỉ có hai chức năng là: thứ nhất, là biên lai nhận hàng của người chuyên chở phát hành cho người gửi hàng; thứ hai, là bằng chứng về hợp đồng chuyên chở hàng hóa giữa người gửi hàng và người chuyên chở. Như vậy, chức năng thứ ba của vận đơn mà biên lai gửi hàng đường biển không có, đó là chứng từ sở hữu hàng hóa ghi trên vận đơn. Vì không phải là chứng từ sở hữu hàng hoá, nên biên lai gửi hàng đường biển không thể chuyển nhượng bằng thủ tục ký hậu thông thường, và không thể dùng biên lai gửi hàng này để nhận hàng tại cảng đích. Như vậy, biên lai gửi hàng đường biển được sử dụng trước hết như là chứng từ xác nhận việc nhận hàng của người chuyên chở và là bằng chứng về hợp đồng chuyên chở giữa hãng vận tải và chủ hàng. Hàng hóa sẽ được giao cho người nhận hàng khi người này được xác thực là người nhận hàng hợp pháp theo chỉ thị của người chủ hàng. Điều này cũng tương tự như việc gửi hàng bằng đường bưu điện. Khách hàng được thông báo xuất trình chứng từ để chứng minh mình là người được quyền nhận hàng hợp pháp thì sẽ được giao hàng.
4. Ưu điểm của biên lai gửi hàng đường biển
Vì vận đơn là chứng từ sở hữu hàng hoá, nên nó phải được gửi cùng với bộ chứng từ tới ngân hàng phát hành L/C để kiểm soát, trong khi đó, biên lai gửi hàng đường biển lại được gửi theo tàu cùng với hàng hoá, nên khi hàng tới cảng là có thể giao hàng được ngay, đây được xem là một ưu điểm cơ bản của biên lai gửi hàng đường biển. Người
chuyên chở thông báo cho người nhận hàng biết khi nào tàu cập cảng để người này chuẩn bị nhận hàng. Để nhận được hàng hoá, người nhận hàng chỉ cần chứng minh mình là người đích thực có tên ghi trên biên lai gửi hàng và được hãng tàu giao hàng. Như vậy, về mặt thủ tục thì biên lai gửi hàng đường biển đơn giản hơn nhiều so với vận đơn đường biển. Do có ưu điểm này, nên khi mua bán theo phương thức ghi sổ (Open Account Terms), sau khi giao hàng người xuất khẩu thường yêu cầu người chuyên chở cấp cho một Biên lai gửi hàng hơn là một vận đơn đường biển.
5. Hình thức của Biên lai gửi hàng
Vận đơn đường biển và Biên lai gửi hàng đường biển là giống hệt nhau, ngoại trừ trên biên lai gửi hàng đường biển có ghi câu “Non-negotiabe Sea Waybills”.
6. Quy tắc Thống nhất về Sea Waybills
Để theo kịp sự phát triển của kỹ thuật vận tải quốc tế, ICC đã quyết định dành riêng điều khoản 21 trong UCP 600 để nói về biên lai gửi hàng đường biển. Quan điểm này đã được Hội nghị về Phát triển và Thương mại của LHQ (UNCTAD) ủng hộ, và được coi là sự phát triển quan trọng đối với nền mậu dịch thế giới. Uỷ ban Hàng hải quốc tế, ngày 29/6/1990 đã ban hành Quy tắc Thống nhất về Biên lai gửi hàng đường biển” (CMI Uniform Rules for Sea Waybills) áp dụng trong giao dịch vận tải biển quốc tế đối với Hợp đồng vận tải không sử dụng vận đơn đường biển.