Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

0

Bắt người là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với người người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị can, bị cáo, nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của họ, ngăn ngừa họ trốn tránh pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đỉều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Bắt người là hoạt động nhạy cảm có tác động trực tiếp đến các quyền cơ bản của công dân như: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ tính mạng, danh dự, nhân phẩm của công dân. Vì vậy, khi thực hiện hoạt động này cần phải cân nhắc thận trọng. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định 05 trường hợp bắt người sau: Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người phạm tội quả tang; bắt người đang bị truy nã; bắt người bị yêu cầu dẫn độ. Bài viết dưới đây LawFirm.Vn sẽ đưa ra những quy định của pháp luật về biện pháp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.


1. Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là gì?

Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng đối với người đã có lệnh giữ trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.


2. Đối tượng áp dụng

Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn được áp dụng liền kề với biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Đối tượng áp dụng biện pháp này là những người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đều bị bắt trong trường hợp này. Việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết.

Hình minh họa. Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

3. Thẩm quyền ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là những người có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp này. Đó là:

+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

+ Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, đồn trưởng đồn biên phòng, chỉ huy trưởng biên phòng cửa khẩu cảng, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cục trưởng cục trinh sát biên phòng bộ đội biên phòng, cục trưởng cục phòng, chống ma túy và tội phạm bộ đội biên phòng, đoàn trưởng đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng cảnh sát biển, cục trưởng cục nghiệp vụ và pháp luật lực lượng cảnh sát biển, đoàn trưởng đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng cảnh sát biển; chi cục trưởng chi cục kiểm ngư vùng;


4. Thủ tục bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều 110 và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật Tố tụng hình sự.


5. Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp gồm:

  • Văn bản để nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
  • Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ;
  • Biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp;
  • Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
  • Chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp do Kiểm sát viên lập phải đưa vào hồ sơ vụ việc, vụ án.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được hổ sơ đề nghị xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Trường hợp, Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì người đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra đã nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải trả tự do ngay cho người bị giữ.

4.9/5 - (94 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.