Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy thông dụng
Phương tiện chữa cháy thông dụng của cơ sở bao gồm: bình chữa cháy; vòi chữa cháy; ống hút chữa cháy, lăng chữa cháy, đầu nối, ba chạc, hai chạc chữa cháy, giỏ lọc, thang chữa cháy.
Người đứng đầu cơ sở phải có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy thông dụng thuộc phạm vi quản lý của mình. Và người được giao nhiệm vụ phải thực hiện việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng theo đúng chế độ quản lý. Cụ thể:
1. Bảo quản, bảo dưỡng bình chữa cháy
Về yêu cầu chung, việc bảo quản, bảo dưỡng bình chữa cháy phải đảm bảo:
– Kiểm tra niêm phong và cơ cấu an toàn của bình để xác định bình chữa cháy đã sử dụng hay chưa sử dụng;
– Gắn biển hoặc ghi nhãn gắn vào bình sau khi đã bảo quản, bảo dưỡng;
– Thay thế chốt an toàn và lắp niêm phong mới.
Việc bảo quản, bảo dưỡng bình chữa cháy phải được thực hiện thường xuyên và định kỳ.
1.1. Bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên
Việc bảo quản, bảo dưỡng bình chữa cháy phải thực hiện thường xuyên những công việc sau đây:
– Kiểm tra bên ngoài thân bình để xác định có bị gỉ sét. Nếu bình bị gỉ sét không đáng kể thì phải bảo dưỡng để tiếp tục sử dụng; nếu bình bị gỉ sét, ăn mòn nhiều thì phải loại bỏ;
– Cân bình chữa cháy hoặc sử dụng các phương thức thích hợp khác để kiểm tra bình chứa khối lượng chất chữa cháy chính xác. Đối chiếu khối lượng kiểm tra với khối lượng được ghi khi bình đưa vào sử dụng lần đầu;
– Kiểm tra lăng phun, vòi phun của bình và vệ sinh sạch sẽ; nếu hư hỏng phải thay thế;
– Kiểm tra các thiết bị chỉ áp suất. Nếu áp suất giảm hơn 10% hoặc nhiều hơn so với mức giảm lớn nhất theo hướng dẫn của nhà sản xuất thì phải thực hiện theo chỉ dẫn của nhà sản xuất;
– Kiểm tra cơ cấu vận hành và kiểm soát sự xả (nếu được lắp) đối với loại bình chữa cháy được thiết kế có cơ cấu vận hành tháo ra theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tùy theo loại bình chữa cháy, ngoài việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên, thì người được giao nhiệm vụ phải thực hiện việc bảo quản, bảo dưỡng theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất và đặc tính riêng của từng loại bình.
1.2. Bảo quản, bảo dưỡng định kỳ
Sau 5 năm (tính từ ngày sản xuất), đối với Bình chữa cháy có áp suất nén trực tiếp với chất chữa cháy là nước, nước có phụ gia hoặc bọt; Bình chữa cháy có áp suất nén trực tiếp với chất chữa cháy là bột; Bình chữa cháy dùng chai khí đẩy với chất chữa cháy là nước, nước có phụ gia sẽ phải thực hiện việc bảo quản, bảo dưỡng định kỳ. Cụ thể, sẽ phải thực hiện những công việc sau đây:
– Phun xả bình chữa cháy hết hoàn toàn. Sau khi phun, áp kế phải chỉ áp suất “0” và thiết bị chỉ thị (nếu được trang bị) phải chỉ vị trí đã phun;
– Mở bình chữa cháy và làm sạch bên trong thân bình; phát hiện sự ăn mòn và hư hại bên trong thân bình. Nếu bình bị ăn mòn ít, hư hại không đáng kể thì bảo dưỡng để tiếp tục sử dụng; nếu bình bị ăn mòn nhiều thì phải loại bỏ;
– Kiểm tra, làm sạch lăng phun, lưới lọc và vòi phun, lỗ thông, (hoặc các cơ cấu thông hơi khác) ở trong nắp hoặc bộ van và ống xả trong;
– Kiểm tra vòng đệm bịt kín và vòi phun (nếu được lắp) và thay nếu bị hư hỏng;
– Kiểm tra cơ cấu vận hành về việc chuyển động;
– Lắp ráp và nạp lại bình chữa cháy.
2. Bảo quản, bảo dưỡng vòi chữa cháy
Đối với vòi trong kho: Vòi phải để trên giá nơi khô ráo, không để gần hóa chất, xăng, dầu. Nếu để lâu phải đảo vòi, thay đổi nếp gấp;
Đối với vòi trên xe: Vòi để trên xe chữa cháy theo cuộn phải để đúng ngăn ô quy định, trong các ngăn ô không được để thêm các dụng cụ, phương tiện khác;
Đối với vòi sau khi chữa cháy, thực tập chữa cháy:
– Khi triển khai vòi không để gấp khúc hoặc có vật nặng đè chặn, không rải vòi lên các vật nhọn, vật đang cháy, nơi có axít hoặc các chất ăn mòn khác;
– Khi lắp vòi vào họng phun của xe, tuyệt đối không di chuyển xe, không lôi, kéo vòi đoạn gần họng phun;
– Khi bơm nước không tăng, giảm ga đột ngột, không tăng áp suất vượt quá áp suất làm việc của từng loại vòi;
– Phơi khô trước khi cuộn vòi đưa vào kho hoặc xếp lên ngăn vòi của xe chữa cháy; không xếp trên xe các loại vòi còn ẩm ướt.
3. Bảo quản, bảo dưỡng ống hút chữa cháy, lăng chữa cháy, đầu nối, ba chạc, hai chạc chữa cháy, giỏ lọc, thang chữa cháy
Việc bảo quản, bảo dưỡng này phải được thực hiện như sau:
– Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện và vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp trên giá kê, sàn kê hoặc trong tủ bảo quản; không được quăng, quật khi sắp xếp, vận chuyển;
– Không để phương tiện gần xăng, dầu, axít và các hóa chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào phương tiện;
– Phương tiện phải được sắp xếp theo từng chủng loại, chất lượng để thuận tiện cho công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và chữa cháy;
– Không để các vật nặng đè lên phương tiện hoặc không được chồng quá cao các phương tiện lên nhau nhằm tránh trường hợp bị méo, bẹp.