Bảo lưu trật tự công là gì?
Trật tự công” là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong tư pháp quốc tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng khái niệm về trật tự công lại rất mơ hồ. Người ta sử dụng và chấp nhận nó giống như một thực tế hiên nhiên, rõ ràng mà không cần một sự giải thích cặn kẽ, chi tiết nào.
Vậy thế nào là trật tự công, có định nghĩa về trật tự công hay không? Thực tế hầu như không có bất kì một định nghĩa chính thống nào về trật tự công, kể cả ở văn bản pháp luật của quốc gia hay quốc tế cũng như các tài liệu nghiên cứu liên quan, không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới. Sở dĩ như vậy bởi trong tư pháp quốc tế khi trật tự công được vận dụng tức là biện pháp cuối cùng đã được dùng tới để đảm bảo trật tự pháp luật quốc gia, để hệ thống pháp luật quốc gia không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các yếu tố bất lợi từ việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Điều đó được cho là chính đáng và cần phải được tôn trọng. Nên nếu có một khái niệm về trật tự công thì khái niệm đó khó có thể bao quát đầy đủ mọi trường hợp có thể xảy ra trên thực tế, vì vậy nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự pháp lí là hoàn toàn có thể. Một lí do nữa cho sự thiếu vắng một khái niệm chính thống về trật tự công, đó có thể do mục đích cần có một sự linh hoạt nhất định để bảo vệ tốt nhất trật tự pháp luật quốc gia mà nếu chỉ dựa vào một quy định cứng thì sẽ khó vận dụng.
Tại Việt Nam, nhiều tài liệu liên quan hay đồng nhất trật tự công với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Ví dụ, Từ điển giải thích thuật ngữ luật học cho rằng “trật tự công” là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật mỗi quốc gia. Cách giải thích này có ưu điểm là đã làm cho một vấn đề mơ hồ như trật tự công bớt mơ hồ hơn, nhưng ngay cả việc coi trật tự công là nguyên tắc cơ bản, với mục đích để lượng hoá cũng như thực tế hơn thì việc có bao nhiêu nguyên tắc được cho là cơ bản cũng vẫn là một vấn đề không dễ xác định. Cho đến nay, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào quy định về các vấn đề này, cụ thể thế nào là trật tự công, có bao nhiêu nguyên tắc được cho là cơ bản và đó là những nguyên tắc nào, chính vì sự không rõ ràng đó mà đôi khi bảo lưu trật tự công được ví như một giải pháp “cao su” hoặc giải pháp “lò xo” mà ở đó nó có thể “căng hoặc trùng” tùy theo từng sự vận dụng khác nhau của người áp dụng.
Như trên đã trình bày, khái niệm “trật tự công” còn thiếu khuyết, nhưng được xem là gần gũi nhất, tiệm cận nhất của trật tự công là các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật quốc gia. Các nguyên tắc cơ bản thường được hiểu là các giá trị cốt lõi, nền tảng của xã hội. Mỗi quốc gia, mỗi xã hội đều có các nguyên tắc của riêng mình, trong đó những nguyên tắc quan trọng được gọi là các nguyên tắc cơ bản. Các nguyên tắc này được hiểu là những quy định nền tảng nhất, thiêng liêng nhất tạo nên những giá trị hiển nhiên mà cả xã hội công nhận. Thông thường vì tính chất đặc biệt đó của mình mà các nguyên tắc cơ bản sẽ được ghi nhận trong các văn bản pháp luật chính thống nhất, có giá trị pháp lí cao nhất. Ví dụ, tại Việt Nam, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hiến pháp và trong các văn bản luật như Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Bộ luật tố tụng dân sự... vì thế cần phải được tôn trọng và bảo vệ từ tất cả các góc độ, khía cạnh, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của mỗi cá nhân... phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi liên quan của mình. Nói như vậy nghĩa là mỗi ngành nghề, lĩnh vực đều có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ các nguyên tắc cơ bản đó. Bảo lưu tật tự công chính là bảo vệ các nguyên tắc cơ bản đó.
Trở lại vấn đề, vậy tư pháp quốc tế có liên quan như thế nào đến bảo vệ trật tự công?
Tư pháp quốc tế là một ngành luật rất phức tạp, gắn liền với một hiện tượng độc đáo mà không có ngành luật nào có, đó là để giải quyết các quan hệ của mình trong những trường hợp nhất định, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng pháp luật nước ngoài. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài là một tất yếu khách quan trong tư pháp quốc tế. Có một thực tế dễ nhận thấy là luật nước ngoài thì không giống luật Việt Nam, sự không giống nhau này về mức độ, phạm vi... trong từng trường hợp là khác nhau, có thể là sự mâu thuẫn, đối nghịch, có thể chỉ là sự khác biệt nhỏ... nhưng về tổng thể thì hai hệ thống pháp luật của hai nước là khác nhau. Vậy, khi quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài thì có một câu hỏi đặt ra là có phải mọi trường hợp luật nước ngoài sẽ được áp dụng hay sẽ áp dụng vô điều kiện luật nước ngoài? Việc tìm câu trả lời không quá khó khăn bởi mỗi quốc gia đều có chủ quyền của mình, vì vậy việc áp dụng pháp luật nước ngoài không thể là vô điều kiện được, mà sẽ có trường hợp mặc dù các bên lựa chọn, quy phạm xung đột dẫn chiếu tới những cơ quan có thẩm quyền vẫn không áp dụng pháp luật nước ngoài và trong trường hợp này lí do được đưa ra là để bảo vệ trật tự công. Bởi nếu luật nước ngoài được áp dụng có thể sẽ làm tổn hại, xâm phạm đến trật tự công. Từ đó có thể thấy vấn đề trật tự công và bảo lưu trật tự công trong tư pháp quốc tế thực tế chỉ liên quan đến vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài.
Nội dung của vấn đề bảo lưu trật tự công trong tư pháp quốc tế là không áp dụng pháp luật nước ngoài nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Điều này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật nước ngoài không được áp dụng nếu hậu quả của việc áp dụng đó trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và chỉ vì duy nhất lí do đó mà thôi, vì thế các cơ quan có thẩm quyền không thể từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài vì các lí do không phải lí do đã nêu ở trên. Trong trường hợp áp dụng pháp luật nước ngoài mà đưa đến một kết quả không như mong muốn hay tuy không trái với nguyên tắc cơ bản nhưng cũng không được cho là phù hợp với các quy định của pháp luật quốc gia thì đó được coi là chưa đủ căn cứ để từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài.
Một vấn đề nữa cần chú ý trong việc áp dụng bảo lưu trật tự công đó là việc không áp dụng pháp luật nước ngoài chỉ là việc gạt bỏ một hay một số các quy phạm cụ thể nhất định của luật nước ngoài chứ không phải là sự phủ nhận hoàn toàn việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong một vụ việc cụ thể nếu những quy phạm cụ thể của luật nước ngoài đem vào áp dụng điều chỉnh quan hệ mà xảy đến tình trạng trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì không áp dụng các quy phạm đó của pháp luật nước ngoài, còn các quy phạm khác, thậm chí vẫn quy phạm đó nhưng áp dụng trong các tình huống khác nhưng không dẫn đến hậu quả này thì pháp luật nước ngoài vẫn được áp dụng.
Trường hợp khi các cơ quan có thẩm quyền áp dụng bảo lưu trật tự công tức là sẽ không áp dụng pháp luật nước ngoài, điều đó sẽ dẫn tới việc thiếu sự điều chỉnh. Để thay thế luật nước ngoài trong trường hợp này thông thường các nước sẽ áp dụng hệ thuộc luật toà án (Lex fori). Pháp luật Việt Nam quy định vấn đề này tại khoản 2 Điều 670 Bộ luật dân sự 2015.
Cuối cùng khi vận dụng bảo lưu trật tự công thì hiệu lực của quy phạm xung đột bị ảnh hưởng triệt tiêu) vì quy phạm xung đột xác định luật nước ngoài sẽ áp dụng để điều chỉnh quan hệ nhưng với lí do này mà luật theo sự dẫn chiếu đó đã không được áp dụng.