Bảng giá đất huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình mới nhất theo Quyết định 29/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 40/2019/QĐ-UBND quy định về Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2024.
1. Căn cứ pháp lý
– Quyết định 40/2019/QĐ-UBND quy định về Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2024;
– Quyết định 29/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 40/2019/QĐ-UBND quy định về Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2024.
2. Bảng giá đất là gì?
Bảng giá đất là bảng tập hợp giá đất của mỗi loại đất theo từng vị trí do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua định kỳ 01 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ trên cơ sở nguyên tắc và phương pháp định giá đất. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo.
Theo khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024 thì bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
– Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân;
– Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm;
– Tính thuế sử dụng đất;
– Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân;
– Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai;
– Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
– Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai;
– Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với hộ gia đình, cá nhân;
– Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng;
– Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân;
– Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê.
3. Bảng giá đất huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình mới nhất
3.1. Nguyên tắc xác định vị trí đất
Đối với đất nông nghiệp: Bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng sản xuất, đất làm muối thì việc xác định vị trí đất theo từng đơn vị hành chính căn cứ vào năng suất cây trồng, điều kiện kết cấu hạ tầng, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh khác, khoảng cách từ nơi cư trú của cộng đồng người sử dụng đất đến nơi sản xuất, khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ tập trung sản phẩm theo quy định sau:
a) Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản được phân theo 4 vị trí.
– Vị trí 1: Gồm các thửa đất đáp ứng được đủ 3 điều kiện:
+ Nằm ven các trục đường giao thông chính (xe ô tô vào được) và có khoảng cách không quá 500 mét kể từ mặt tiếp giáp trục đường giao thông (theo đường thẳng vuông góc với trục đường).
+ Có khoảng cách từ nơi cư trú của cộng đồng người sử dụng đất đến nơi sản xuất, khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ tập trung sản phẩm không quá 500 mét.
+ Điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi có lợi thế cho sản xuất, kinh doanh.
– Vị trí 2: Gồm các thửa đất đáp ứng được 2 điều kiện của vị trí 1.
– Vị trí 3: Gồm các thửa đất đáp ứng được 1 điều kiện của vị trí 1.
– Vị trí 4: Đất nằm ở các vị trí còn lại.
b) Đất rừng sản xuất được phân theo 2 vị trí.
– Vị trí 1: Đất nằm ven các trục đường giao thông chính (xe ô tô vào được) và cách mép đường không quá 800 mét.
– Vị trí 2: Đất nằm ở các vị trí còn lại.
c) Đất làm muối được phân theo 2 vị trí:
– Vị trí 1: Giáp và cách đường giao thông không quá 50 mét.
– Vị trí 2: Đất nằm ở các vị trí còn lại.
Đối với đất ở tại nông thôn; đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn thì việc xác định vị trí đất theo từng đường, đoạn đường hoặc khu vực căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh trong khu vực; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại trong khu vực và thực hiện theo quy định sau:
– Vị trí 1: Áp dụng đối với đất mặt tiền trục đường giao thông.
– Vị trí 2: Áp dụng đối với thửa đất trong ngõ liền kề với trục đường giao thông.
– Vị trí 3: Áp dụng đối với thửa đất trong ngõ liền kề với vị trí 2.
– Vị trí 4: Áp dụng đối với các vị trí còn lại.
Đối với đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị thì việc xác định vị trí đất trong từng đường, phố; đoạn đường, đoạn phố căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh trong khu vực; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại trong khu vực và thực hiện theo quy định sau:
– Vị trí 1: Áp dụng với các thửa đất ở liền cạnh đường phố (mặt tiền) có chiều rộng trên 3,5 mét.
– Vị trí 2: Áp dụng với các thửa đất ở liền cạnh đường phố (mặt tiền) có chiều rộng từ 3 mét đến 3,5 mét (xe ô tô vào được).
– Vị trí 3: Áp dụng với các thửa đất ở liền cạnh đường phố (mặt tiền) có chiều rộng từ 2 mét đến dưới 3 mét (xe ô tô không vào được).
– Vị trí 4: Áp dụng đối với các thửa đất trong ngõ, trong hẻm của các ngõ, hẻm thuộc vị trí 2, vị trí 3 nêu trên và các vị trí còn lại khác mà điều kiện sinh hoạt kém.