Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Trong khi đó, hội đồng quản trị (HĐQT) là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Dù có sự phân định về mặt quyền hạn giữa hai cơ quan này, thực tiễn cho thấy việc có được chấp thuận từ ĐHĐCĐ của một công ty vẫn được nhiều người cho là “an toàn” nhất để bảo đảm tính pháp lý ràng buộc đối với công ty đó – ngay cả khi theo Điều lệ công ty, vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT, mà không phải là ĐHĐCĐ.
Như vậy, câu hỏi pháp lý đặt ra rằng việc ĐHĐCĐ “lấn” thẩm quyền của HĐQT để quyết định một nội dung thuộc thẩm quyền của HĐQT liệu có giá trị pháp lý hay không?
Từ một số học thuyết về mối hệ quan hệ giữa các cổ đông và hội đồng quản trị của phương Tây…
Mối quan hệ giữa các cổ đông và HĐQT (hay dịch sát nghĩa từ thuật ngữ tiếng Anh mà các nước theo hệ thống thông luật thường sử dụng là ban giám đốc – board of directors) chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết đại diện (agency theory) và chế định tín thác (trust). Theo đó, mối quan hệ này được xem là quan hệ hợp đồng uỷ thác mà trong đó các cổ đông (người uỷ thác – trustor) trao quyền / uỷ thác cho toàn bộ các thành viên của HĐQT (người nhận uỷ thác hay còn được gọi là người thụ uỷ – trustee) để hành động cho và vì lợi ích của công ty (người thụ hưởng – beneficiary) cũng như định đoạt các tài sản của công ty.
Như vậy, có thể xem việc các cổ đông, thông qua ĐHĐCĐ, bổ nhiệm thành viên HĐQT là một sự kiện xác lập quan hệ uỷ thác giữa các cổ đông và các thành viên HĐQT. Các quy định có liên quan của Điều lệ công ty và pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa hai đối tượng này sẽ tạo thành một hợp đồng uỷ thác (deed of trust). Trên cơ sở đó, quyền quản lý và điều hành công ty được cổ đông chuyển giao cho các thành viên HĐQT trong phạm vi được nêu tại Điều lệ công ty và các quy định của pháp luật áp dụng.
Nhìn nhận dưới góc độ của quan hệ uỷ thác trong hệ thống thông luật, khi người uỷ thác đã uỷ thác tài sản cho một bên nhận uỷ thác cho và vì lợi ích của một bên thụ hưởng, người uỷ thác sẽ không còn quyền chiếm hữu, quản lý, hưởng lợi và định đoạt đối với tài sản đó trừ trường hợp văn bản / hợp đồng uỷ thác có quy định khác. Trách nhiệm của người nhận uỷ thác sẽ được thể hiện chủ yếu trong mối quan hệ với bên thụ hưởng thay vì với người uỷ thác.
Có lẽ xuất phát từ cơ sở này cùng với đó là sự chi phối của quan điểm tách bạch quyền sở hữu và quyền quản lý của các nước phương Tây, trong phạm vi hiểu biết của tác giả, quyền hạn của các cổ đông liên quan đến các vấn đề vận hành và quản lý của công ty tại các quốc gia trong hệ thống thông luật là tương đối hạn chế. Từ đó, việc các cổ đông triệu tập ĐHĐCĐ để quyết định một vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT (ban giám đốc) có thể bị xem là không phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.
…cho đến thực tiễn và pháp luật Việt Nam
“Đồng tiền đi liền khúc ruột” là một câu thành ngữ có thể sử dụng để tóm lược phong cách quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam. Dù đã có những sự thay đổi nhất định trong khoảng hơn một thập kỷ đổ lại đây (đặc biệt là khi các công ty đại chúng phát triển phổ biến hơn), việc chủ sở hữu doanh nghiệp sẵn lòng trao quyền quản lý và điều hành của công ty do mình nắm vốn cho một người khác, không phải họ hàng thân thích hay không có mối quan hệ cá nhân nào với họ, dường như vẫn còn là một việc xa lạ. Lý thuyết về sự phân tách quyền sở hữu và quyền quản lý chưa thật sự được coi trọng tại Việt Nam.
Xuất phát từ tư tưởng này, trong các công ty tư nhân, các quyết định, ý kiến từ chủ sở hữu doanh nghiệp về thực tế vẫn được cho là có ý nghĩa cao hơn so với các quyết định hay ý kiến từ những người quản lý không phải chủ sở hữu doanh nghiệp.
Pháp luật doanh nghiệp hiện hành không đưa ra bất kỳ quy định minh thị nào về việc ĐHĐCĐ được hay không được “lấn” thẩm quyền của HĐQT. Có quan điểm cho rằng ĐHĐCĐ, với vai trò là cơ quan quyết định cao nhất trong công ty cổ phần, hoàn toàn có quyền quyết định mọi vấn đề của công ty, kể cả khi vấn đề đó thuộc thẩm quyền của HĐQT hay của những người quản lý doanh nghiệp khác. Một góc nhìn khác của quan điểm này còn xuất phát từ việc tất cả các thành viên của HĐQT đều do ĐHĐCĐ bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và xử lý vi phạm – từ đó, ĐHĐCĐ nắm quyền “sinh sát” đối với các thành viên HĐQT trong tay và việc ĐHĐCĐ tự động “lấy” đi những công việc thuộc thẩm quyền của HĐQT để chủ động xử lý là hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng việc ĐHĐCĐ có quyền, bổ nhiệm, miễn nhiệm và thậm chí là xử lý vi phạm các thành viên HĐQT không có nghĩa là ĐHĐCĐ có quyền “điều khiển” cách thức mà các thành viên HĐQT thông qua các quyết định của HĐQT. Để làm rõ, theo Điều 165.1(b) của Luật Doanh nghiệp 2020, HĐQT khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao chỉ có trách nhiệm xem xét đến việc bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty mà không phải là cổ đông. Đối với cổ đông nói chung, trách nhiệm chính của người quản lý doanh nghiệp là trung thành với lợi ích của họ. Nội hàm cơ bản của trách nhiệm trung thành là việc người quản lý doanh nghiệp phải đặt lợi ích của công ty và cổ đông lên trên hết trước khi nghĩ đến lợi ích cá nhân của bản thân người quản lý. Tuy vậy, ngay cả trong bổn phận trung thành này, lợi ích của công ty vẫn được đặt lên trước so với lợi ích của các cổ đông. Nói cách khác, lợi ích của các cổ đông phải hài hoà với lợi ích của công ty thì người quản lý doanh nghiệp mới phát sinh nghĩa vụ trung thành với lợi ích đó.
Một ví dụ về về mâu thuẫn giữa lợi ích của cổ đông và lợi ích của công ty là trường hợp nhóm các cổ đông lớn chi phối quyết định của ĐHĐCĐ nhằm mục đích “loại bỏ” các cổ đông nhỏ thay vì hướng đến một lợi ích cụ thể nào đó cho công ty. Việc ĐHĐCĐ ra quyết định trong trường hợp này là nhằm tối đa hoá lợi ích của nhóm cổ đông chi phối, mà chưa hẳn đã là vì lợi ích chung của công ty.
Như vậy, việc được ĐHĐCĐ bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc xử lý vi phạm không đương nhiên đồng nghĩa với việc quyết định của HĐQT sẽ luôn giống với quyết định của ĐHĐCĐ về cùng một vấn đề liên quan. ĐHĐCĐ không có quyền trực tiếp “cầm tay, chỉ việc” cho HĐQT. Vì lý do đó, việc nghị quyết của ĐHĐCĐ được ban hành để quyết định một vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT có thể được xem là một vi phạm về nội dung đối với các quy định pháp luật doanh nghiệp có liên quan. Tuy nhiên, việc vi phạm đó có đủ tính nghiêm trọng để Toà án tuyên huỷ nghị quyết đó hay không là một vấn đề khác mà trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ không đi sâu phân tích.