Bản chất của pháp luật là gì?

0 5.190

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, sự ra đời và tồn tại của Pháp luật luôn gắn với xã hội có giai cấp và là sản phẩm của sự phát triển của xã hội nên pháp luật hàm chứa trong nó hai thuộc tính là tính giai cấp và tính xã hội.


1. Tính giai cấp của pháp luật

Để giải thích một cách đúng đắn và khoa học về bản chất của pháp luật, học thuyết Mác – Lênin về nhà nước và pháp luật đã đặt pháp luật trong mối quan hệ với các hiện tượng khác trong xã hội có giai cấp. Theo đó, pháp luật chỉ phát sinh tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp.

Bản chất của pháp luật thể hiện chính ở tính giai cấp của nó, không có “pháp luật tự nhiên” hay pháp luật không mang tính giai cấp.

Tính giai cấp của pháp luật thể hiện trước hết ở chỗ, pháp luật phản ánh ý chí Nhà nước của giai cấp thống trị. C.Mác và Ăngghen khi nghiên cứu về pháp luật tư sản đã đi đến kết luận: Pháp luật tư sản chẳng qua chỉ là ý chí của giai cấp tư sản được đề lên thành luật, cái ý chí mà nội dung của nó là do điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp tư sản quyết định. Nhờ nắm trong tay quyền lực nhà nước, giai cấp thống trị đã thông qua nhà nước để thể hiện ý chí của giai cấp mình một cách tập trung, thống nhất và hợp pháp hóa thành ý chí của nhà nước, ý chí đó được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Pháp luật là nhân tố để điều chỉnh về mặt giai cấp các quan hệ xã hội nhằm hướng các quan hệ xã hội phát triển theo một “trật tự” phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị. Với ý nghĩa đó, pháp luật chính là công cụ để thực hiện sự thống trị giai cấp.

Tính giai cấp là thuộc tính chung của bất kỳ kiểu pháp luật nào nhưng mỗi kiểu pháp luật lại có những nét riêng và cách biểu hiện đặc thù. Ví dụ: Pháp luật chủ nô công khai quy định quyền lực vô hạn của các chủ nô, tình trạng vô quyền của người nô lệ; Pháp luật phong kiến công khai quy định đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp địa chủ phong kiến, cũng như quy định các chế tài hà khắc dã man để trấn áp nhân dân lao động; Trong pháp luật tư sản bản chất giai cấp được thể hiện một cách tinh vi dưới nhiều hình thức như quy định về mặt pháp lý những quyền tự do, dân chủ… nhưng thực chất pháp luật tư sản luôn thể hiện ý chí của giai cấp tư sản và mục đích trước hết nhằm phục vụ lợi ích cho giai cấp tư sản; Pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là công cụ để xây dựng một xã hội mới trong đó mọi người đều được sống tự do, bình đẳng, công bằng xã hội được bảo đảm.

Hình minh họa. Bản chất của pháp luật là gì?

2. Tính xã hội của pháp luật

Pháp luật do nhà nước, đại diện chính thức của toàn xã hội ban hành nên nó hàm chứa tính xã hội. Nội dung của pháp luật luôn mang tính điển hình bởi nó chính là hiện thực của đời sống xã hội, được xã hội thực hiện và sử dụng.

Pháp luật chính là phương tiện và công cụ để giải quyết các vấn đề thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong nhiều trường hợp khi thực tiễn xã hội đặt ra vấn đề cấp bách và để giải quyết nó nhằm đảm bảo sự ổn định, trật tự cho xã hội thì phải cần đến sự hợp lực của cả cộng đồng. Khi đó, nếu pháp luật thực sự là phương tiện để đảm bảo sự liên kết, đồng thuận của cả quốc gia, cả dân tộc, cả cộng đồng thì pháp luật đã thể hiện rất rõ thuộc tính xã hội của nó.

Như vậy, xét về bản chất thì tính xã hội là thuộc tính chung của pháp luật. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi kiểu pháp luật khác nhau thì sẽ hàm chứa thuộc tính xã hội khác nhau, thể hiện thuộc tính xã hội khác nhau trên thực tiễn. Chẳng hạn, pháp luật tư sản ở thời kỳ đầu, sau thắng lợi của cách mạng tư sản đã thể hiện rõ nội dung tiến bộ so với pháp luật phong kiến và có tác dụng tích cực góp phần xóa bỏ những quan hệ kinh tế – xã hội phong kiến lạc hậu, củng cố và thúc đẩy sự phát triển những quan hệ kinh tế – xã hội tiến bộ mới hình thành trong xã hội tư sản chủ nghĩa. Nhưng đến thời kỳ đế quốc chủ nghĩa nó đã có nhiều thay đổi và có những tác động tiêu cực đến các quá trình kinh tế, chính trị và xã hội…

Như vậy, pháp luật là một hiện tượng vừa mang tính giai cấp lại vừa thể hiện tính xã hội, hai thuộc tính này có mối liên hệ mật thiết với nhau, không có pháp luật chỉ thể hiện duy nhất tính giai cấp; ngược lại, cũng không có pháp luật chỉ thể hiện tính xã hội.

5/5 - (97 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap