1. Thi hành án dân sự là gì?
Thi hành án dân sự là một khái niệm quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, liên quan đến việc thực hiện các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Mặc dù pháp luật hiện tại không đưa ra một định nghĩa chính thức về thi hành án dân sự, nhưng căn cứ theo Điều 1 của Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi năm 2014), thi hành án dân sự có thể hiểu là trình tự, thủ tục thực hiện các bản án, quyết định dân sự, bao gồm:
- Bản án, quyết định dân sự: Các quyết định của Tòa án liên quan đến tranh chấp dân sự.
- Hình phạt tiền và các quyết định liên quan: Bao gồm việc tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, và án phí.
- Quyết định của Tòa án về phá sản: Các quyết định liên quan đến việc giải quyết tình trạng phá sản của doanh nghiệp.
- Phán quyết của Trọng tài thương mại: Các quyết định của trọng tài trong các tranh chấp thương mại.
2. Ai có quyền yêu cầu thi hành án dân sự?
Theo quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014), người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
Người được thi hành án có các quyền sau đây:
– Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;
– Được thông báo về thi hành án;
– Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án;
– Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;
– Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;
– Không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện;
– Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;
– Ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
– Chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác;
– Được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
– Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
Người được thi hành án có các nghĩa vụ sau đây:
– Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định;
– Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;
– Chịu phí, chi phí thi hành án theo quy định của Luật này.
3. Nội dung của Đơn yêu cầu thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014), đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Đơn yêu cầu thi hành án dân sự phải có các nội dung sau đây:
– Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
– Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
– Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
– Nội dung yêu cầu thi hành án;
– Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
– Ngày, tháng, năm làm đơn;
– Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.