Theo pháp luật Việt Nam, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, là căn cứ để xác định các trường hợp không bị tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
Sự kiện bất khả kháng, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, gồm có ba dấu hiệu sau đây:
1. Sự kiện khách quan
Sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện khách quan, do nguyên nhân tự nhiên hoặc do con người gây ra, không phụ thuộc vào ý chí của bên vi phạm nghĩa vụ, bên chịu tác động của sự kiện bất khả kháng.
Sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bên vi phạm nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ của mình. Sự kiện bất khả kháng có thể là sóng thần, động đất, thiên tai, chiến tranh, đình công, bạo loạn hay các thảm họa khác.
2. Không thể lường trước được
Sự kiện bất khả kháng nằm ngoài khả năng kiểm soát, không lường trước được của bên/các bên vi phạm nghĩa vụ.
Các bên trong hợp đồng, hoặc ít nhất là bên vi phạm không thể nhìn thấy trước hay dự kiến trước; không biết, không thể biết hoặc không buộc phải biết sự kiện bất khả kháng sẽ xảy ra và do đó, không thể kiểm soát hay ngăn chặn việc xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ: Chỉ thị của Thủ tướng về việc cấm xuất khẩu gạo; quyết định của cơ quan hành chính địa phương về việc di chuyển phải có giấy đi đường,… trong một số trường hợp có thể thỏa mãn dấu hiệu này.
3. Không thể giải quyết, khắc phục được
Bên vi phạm nghĩa vụ không thể giải quyết, khắc phục được sự kiện bất khả kháng và/hoặc hậu quả của nó dù đã thực hiện mọi giải pháp.
Để đáp ứng dấu hiệu này, bên vi phạm cần nỗ lực hết sức để khắc phục sự kiện bất khả kháng hoặc ít nhất là tác động tới hậu quả do sự kiện bất khả kháng gây ra nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất mà sự kiện bất khả kháng đem lại.
Dấu hiệu này rất quan trọng, có tính chất quyết định đối với việc xác định sự kiện đã xảy ra có phải là bất khả kháng đối với bên chịu tác động hay không, bởi lẽ khi một sự kiện xảy ra, dù đã đáp ứng đủ hai dấu hiệu trên đây nhưng bên vi phạm nghĩa vụ đã có thể tránh được, khắc phục được và/hoặc tác động vào hậu quả mà sự kiện gây ra bằng những biện pháp tích cực và cần thiết, kịp thời với khả năng thực hiện của mình mà đã không làm thì vẫn phải chịu trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ.
Việc một Công ty logistics không thể tuyển dụng thêm nhân công đáp ứng đủ điều kiện đã tiêm đủ hai mũi vaccine để thay thế cho những nhân viên chuyển hàng bị mắc Covid-19 trong điều kiện di chuyển hạn chế theo quy định về giãn cách xã hội, và do đó dẫn đến việc không thực hiện được nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng cho đối tác có thể là một ví dụ thỏa mãn dấu hiệu này.
Tóm lại, quy định này được áp dụng cho trường hợp cần chứng minh sự kiện bất khả kháng là căn cứ để bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ được miễn trách nhiệm dân sự, bao gồm cả trách nhiệm trong quan hệ hợp đồng thương mại.